Viện Khoa học Công nghệ Mỏ làm việc với các đối tác về giải pháp công nghệ trong xử lý bùn đỏ

Ngày 21 tháng 10 năm 2024, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã làm việc với Công ty ParaTech Global (Mỹ) và Công ty Hoàng Việt trao đổi, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý bùn đỏ tại Nhà máy alumin Tân Rai – Lâm Đồng. Tham gia Buổi làm việc có ông Đào Hồng Quảng, Viện Trưởng, ông Nhữ Việt Tuấn, Phó Viện trưởng – Viện Khoa học Công nghệ Mỏ; ông Charles D Jaquays, Giám đốc Công Nghệ, ông John Small, Chuyên gia về vật liệu mỏ và khoáng sản – Công ty ParaTech Global; ông Nguyễn Văn Đối, Kỹ sư Công nghệ Hoa Kỳ, ông Đặng Huy Ngọc, Chuyên gia tài chính – đầu tư, Cố vấn pháp lý – Công ty Hoàng Việt cùng các cán bộ kỹ thuật có liên quan của các bên.

Đại diện Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tiếp và làm việc với Đoàn công tác

Nhà máy alumin Tân Rai – Lâm Đồng có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm. Bùn đỏ từ nhà máy được thải ra hồ lắng bằng phương pháp thải ướt với khối lượng trung bình khoảng 600.000 tấn/năm. Việc nghiên cứu công nghệ xử lý bùn đỏ nhằm tận thu tài nguyên, bảo vệ môi trường là vấn đề mà Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng như Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đặc  biệt quan tâm.

Các bên trao đổi về kỹ thuật công nghệ, thiết bị xử lý bùn đỏ

Tại buổi làm việc, Công ty ParaTech Global đã giới thiệu công nghệ xử lý bùn đỏ tiên tiến được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Công nghệ này không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn có khả năng tận thu các khoáng sản có giá trị từ bùn đỏ, biến chất thải thành nguồn tài nguyên. Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm bùn đỏ vùng Tây Nguyên và kết quả phân tích, thí nghiệm mẫu bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai – Lâm Đồng, Công ty ParaTech Global đề xuất việc nghiên cứu, xây dựng nhà máy xử lý bùn đỏ tại Lâm Đồng nhằm tận thu khoáng sản có ích, chế biến sâu sản phẩm bùn đỏ thành các sản phẩm phục vụ cho những mục đích khác như chất xử lý nước, làm vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, tiến tới việc giải phóng mặt bằng hồ chứa bùn … là hoàn toàn khả thi. Các bên cũng trao đổi về quy trình xây dựng nhà máy, phương thức chuyển giao công nghệ và cách thức vận hành nhà máy phù hợp với điều kiện của Việt Nam…

Kết quả buổi làm việc là cơ sở để Viện Khoa học Công nghệ Mỏ lập báo cáo, trình Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam triển khai thực hiện các bước tiếp theo./.

Đ.L

Các mục khác