Ngày 01/11/2024, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp công nghệ, thiết bị nâng cao chất lượng đường mỏ trong TKV” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện. Ông Đỗ Hồng Nguyên – Trưởng ban Khoa học Công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển Tập đoàn TKV, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Đại diện Viện Khoa học Công nghệ Mỏ báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài
Hiện nay, mặt đường vận tải tại các mỏ lộ thiên Việt Nam được xây dựng và bảo trì bằng công nghệ rải lớp đất đá chọn lọc từ đá nổ mìn tại mỏ. Quá trình sử dụng thường xảy ra các hư hỏng như ổ gà, lộ đá to gây giảm năng suất và tăng tiêu hao lốp. Khi chạy trên các đoạn đường này trong điều kiện khô ráo, tốc độ trung bình ô tô đạt và vượt so với Định mức. Tuy nhiên, khi trời mưa lớn, mặt đường lầy lội tốc độ ô tô chỉ đạt 60÷70 % so với Định mức.
Tại các mỏ lộ thiên trên thế giới, người ta xây dựng đường mỏ lộ thiên dựa vào các thông số hình học theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và tham khảo khuyến cáo của các hãng cung cấp thiết bị. Áo đường phần lớn đều sử dụng vật liệu tại chỗ là đất đá thải của mỏ có chọn lọc, nghiền sàng đảm bảo kích thước cỡ hạt theo quy luật cấp phối. Một số mỏ đã nghiên cứu và áp dụng giải pháp phối trộn vật liệu tại chỗ với một số phụ gia khác. Kết quả áp dụng vào thực tế đã mang lại hiệu quả cao: xe ô tô có thể hoạt động vào những ngày mưa, từ đó tăng năng suất, giảm thiểu bụi,… góp phần khai thác liên tục và giảm chi phí sản xuất.
TS. Lưu Văn Thực, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ phát biểu tại Hội đồng
Từ kinh nghiệm trên thế giới và kết quả phân tích mẫu đá tại các mỏ lộ thiên thuộc TKV, Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp công nghệ, thiết bị cải tạo phù hợp đối với từng loại đường trong và ngoài mỏ. Để kiểm chứng các giải pháp đề xuất, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã phối hợp cùng các đơn vị thiết kế, thi công và theo dõi, đánh giá “Phương án cải tạo nâng cao chất lượng đường tại mỏ than Cao Sơn”. Đồng thời, thiết kế, thi công thử nghiệm tuyến đường ngoài mỏ có chiều dài 500m thuộc tuyến đường Khe Tam – Khe Chàm II do Công ty môi trường quản lý. Cả hai tuyến đường đều do Công ty Cổ phần INFRASOL thi công.
Kết quả thi công “Phương án cải tạo nâng cao chất lượng đường tại mỏ than Cao Sơn” cho thấy: Chất lượng đường theo tuổi thọ: Khi hoàn thiện các thông số chất lượng đảm bảo như thiết kế. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng Công ty than Cao Sơn tổ chức bảo trì bằng công nghệ truyền thống. Với phương pháp bảo trì này, các đoạn thử nghiệm chỉ giảm độ trồi lún, mấp mô so với các đoạn chưa thi công, các hư hỏng về độ phẳng, vật liệu rời sẽ lộ đá to tại các vị trí bảo trì.
Các cán bộ thực hiện Đề tài khảo sát hiện trường theo dõi, đánh giá tuyến đường ngoài mỏ
Từ các công nghệ đề xuất, kinh nghiệm khi triển khai thử nghiệm tại đường trong và ngoài mỏ, Đề tài đã đề xuất các công nghệ và thiết bị nâng cao chất lượng đường; đồng thời xây dựng các quy trình thiết kế, thi công đường vận tải mỏ phù hợp với công nghệ được lựa chọn.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng Khoa học thống nhất nghiệm thu. Thành công của Đề tài sẽ mang lại cho ngành Than-khoáng sản Việt Nam tiếp cận với phương pháp làm đường mỏ hiện đại (sử dụng phương pháp phối trộn, gia cố vật liệu mặt đường hiện hữu), tối ưu hóa quá trình vận tải, nâng cao mức độ an toàn và hiệu quả trong sản xuất, bảo vệ môi trường tại các đơn vị sản xuất than, khoáng sản lộ thiên ./.
Đ.L