Ngày 21/11/2024, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giơi hóa khấu than trong lò chợ chống giữ bằng giàn chống mềm tại các mỏ hầm lò thuộc TKV” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV – Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng
chủ trì Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài
Để nâng cao sản lượng và hiệu quả khai thác các vỉa than dày trung bình đến dày, góc dốc >40 độ, những năm gần đây các mỏ than hầm lò thuộc Tập đoàn TKV đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đưa vào áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY, khấu than bằng khoan nổ mìn. Kết quả áp dụng cho thấy, so với các công nghệ khai thác trước đây thì công nghệ này cho sản lượng lò chợ và năng suất lao động cao gấp từ 1,5 đến 2 lần, tỷ lệ tổn thất giảm còn 17,6 đến 20%, chi phí sản xuất giảm mạnh, điều kiện làm việc của công nhân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công nghệ khai thác này cũng tồn tại một số hạn chế như công tác tách phá than chiếm nhiều thời gian, chi phí nhân lực cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
Từ thực tế trên, Tập đoàn TKV đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu áp dụng công nghệ CGH khấu than trong lò chợ chống giữ bằng giàn chống mềm tại các mỏ hầm lò thuộc TKV” nhằm nghiên cứu đề xuất xây dựng sơ đồ, quy trình công nghệ phù hợp làm cơ sở khoa học, thực tiễn để triển khai thử nghiệm và phát triển áp dụng trong thực tiễn sản xuất nâng cao hơn nữa sản lượng, năng suất lao động trong khai thác các lò chợ chống giữ bằng giàn chống mềm tại các mỏ than hầm lò thuộc TKV.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và điều kiện thực tế tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh, Đề tài đã đề xuất và xây dựng sơ đồ, quy trình công nghệ, tính toán yêu cầu thiết bị khấu than cơ giới hóa trong lò chợ chống giữ bằng giàn chống mềm phù hợp điều kiện các mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn TKV. Từ các kết quả nghiên cứu, đánh giá đặc điểm điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ và kế hoạch sản xuất của các mỏ than hầm lò giai đoạn 2023-2025, Đề tài đã lựa chọn diện sản xuất là lò chợ thuộc vỉa 7 khu II – Công ty than Vàng Danh để thiết kế công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY, khấu than bằng cơ giới hóa sử dụng máy khấu di chuyển bánh xích. Kết quả tính toán cho thấy, việc áp dụng công nghệ cho phép tiếp tục nâng cao sản lượng, năng suất lao động và hiệu quả khai thác so với lò chợ chống giữ bằng giàn chống mềm, khấu than bằng khoan nổ mìn.
Ông Dương Phi Hùng – Chuyên gia độc lập phản biện tại Hội đồng
Ông Nguyễn Minh Tuyên – Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Công nghệ Mỏ Tập đoàn TKV phản biện tại Hội đồng
Ông Đỗ Hồng Nguyên – Trưởng ban Khoa học Công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển Tập đoàn TKV phát biểu tại Hội đồng
Kết quả nghiên cứu của Đề tài là cơ sở cho việc triển khai thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển áp dụng rộng rãi trong sản xuất nhằm nâng cao sản lượng, hiệu quả và an toàn cho các điều kiện vỉa than dày trung bình đến dày, dốc tại các mỏ than hầm lò thuộc Tập đoàn TKV. Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn TKV thống nhất nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài. /.
Đ. L