Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện

Ngày 06/3/2025, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức nghiệm thu 02 nhiệm vụ KHCN cấp TKV do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện gồm đề tài Nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ (đến 100 nghìn tấn) tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh” và đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phá hoả ban đầu lò chợ cột dài theo phương bằng phương pháp nổ mìn lỗ khoan dài tại các mỏ hầm lò thuộc TKV”.

Hội đồng Khoa học nghiệm thu đề tài

*Đề tài “Nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa (CGH) đồng bộ phù hợp với diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ (đến 100 nghìn tấn) tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh” được Tập đoàn TKV giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện với mục tiêu nghiên cứu, tìm kiếm, lựa chọn được mô hình công nghệ cơ giới hóa phù hợp với các lò chợ có điều kiện địa chất phức tạp, quy mô trữ lượng nhỏ nhằm thay thế công nghệ khai thác khoan nổ mìn chống giữ bằng giá khung/giá xích, qua đó gia tăng sản lượng cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò. Từ kinh nghiệm áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong và ngoài nước, điều kiện địa chất – kỹ thuật các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh, Đề tài đã nghiên cứu đề xuất mô hình cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống hạng nhẹ tay biên đứng. Loại giàn chống đề xuất có kết cấu đơn giản, trọng lượng nhẹ từ 3,2 ÷ 5,8 tấn/giàn (đối với loại giàn chống không có cơ cấu thu hồi than nóc) và từ 5,6 ÷ 7,2 tấn/giàn (đối với giàn chống có cơ cấu thu hồi than nóc). So với giàn chống hạng nhẹ đang được áp dụng tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh, loại giàn chống đề xuất có trọng lượng giảm 40 ÷ 63%, do đó thuận lợi cho việc vận chuyển, lắp đặt, thu hồi, phù hợp áp dụng cho điều kiện diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ. Với mô hình đề xuất sẽ cho phép huy động thêm khoảng 50 triệu tấn trữ lượng tại các mỏ hầm lò thuộc Tập  đoàn TKV vào áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ. Từ tháng 12/2024, dây chuyền lò chợ đầu tiên áp dụng mô hình công nghệ cơ giới hóa do Đề tài đề xuất đã được triển khai áp dụng tại mỏ than Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm và đã cho kết quả bước đầu tốt như: Sản lượng khai thác đạt trung bình 23.500 tấn/tháng, năng suất lao động trực tiếp đạt trung bình 13,2 tấn/công. Giàn chống sử dụng trong dây chuyền có trọng lượng 6,7 tấn, thời gian cho công tác vận chuyển, lắp đặt đồng bộ thiết bị là 15 ngày, chỉ bằng 40 ÷ 50% thời gian lắp đồng bộ thiết bị cơ giới hóa hạng trung tại mỏ. Trong thời gian tới, mô hình công nghệ cơ gới hóa do Đề tài đề xuất sẽ tiếp tục được đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất tại mỏ than Núi Béo và các mỏ hầm lò khác thuộc Tập đoàn TKV. Dự kiến giai đoạn 2025 – 2030, Tập đoàn TKV có thể sẽ đầu tư đưa thêm 08 dây chuyền lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống hạng nhẹ tay biên đứng vào hoạt động và góp phần nâng cao tỉ trọng sản lượng khai thác bằng cơ giới hóa tại các mỏ hầm lò lên 25% (tăng khoảng 1,5 ÷ 1,6 lần so với hiện nay).

Ông Nguyễn Minh Tuyên –  Phó Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ Mỏ Tập đoàn phản biện tại Hội đồng

Lò chợ áp dụng thử nghiệm mô hình công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống hạng nhẹ tay biên đứng tại mỏ than Khe Chàm III

* Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phá hỏa ban đầu lò chợ cột dài theo phương bằng phương pháp nổ mìn trong lỗ khoan dài tại các mỏ hầm lò thuộc TKV” được Tập đoàn TKV giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều khiển áp lực mỏ, mức độ an toàn tại các lò chợ cột dài theo phương có đá vách thuộc loại sập đổ trung bình đến khó sập đổ hoặc đá vách có tải trọng nặng. Đề tài đã nghiên cứu đề xuất giải pháp phá hỏa bằng nổ mìn trong lỗ khoan dài để thay thế cho giải pháp phá hỏa ban đầu bằng lỗ khoan ngắn đang áp dụng tại các mỏ. Theo giải pháp đề xuất, công tác khoan các lỗ khoan dài được thực hiện từ thượng vách hoặc các cúp đào về phía sau thượng khởi điểm bằng thiết bị khoan dạng cột hoặc xe khoan. Thuốc nổ và phương tiện nổ trong lỗ khoan dài sử dụng loại hiện có tại mỏ hầm lò. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được thử nghiệm tại lò chợ TT10.3, vỉa 10, mỏ than Ngã Hai, Công ty than Quang Hanh. Quá trình thử nghiệm cho thấy giải pháp phù hợp với điều kiện đá vách tại khu vực, sau khi phá hỏa ban đầu đá vách đã sập đổ triệt để, đảm bảo an toàn và ổn định trong quá trình khai thác lò chợ thường kỳ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là cơ sở để bổ sung và hoàn thiện Hướng dẫn thực hiện công tác phá hỏa ban đầu trong các mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn TKV.

Các đề tài trên đều được Hội đồng Khoa học đánh giá cao, có tính cấp thiết và là cơ sở để Tập đoàn TKV chỉ đạo các đơn vị hầm lò triển khai mở rộng áp dụng trong thời gian tới./.

T.H

Các mục khác