Việt Nam, với đặc điểm địa lý và khí hậu phức tạp, thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa lũ, sạt lở đất, giông lốc, nắng nóng cực đoan… Đặc biệt, đối với ngành khai thác Than – Khoáng sản những tác động tiêu cực từ thiên tai không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, an ninh năng lượng quốc gia và đời sống của người lao động.
Ảnh: Nguồn internet
Nhận thức rõ những tác động tiêu cực mà thiên tai có thể gây ra, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ không chỉ xem việc phòng chống thiên tai là trách nhiệm mà còn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên. Trong những năm qua Viện đã chủ động ứng dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ thiên nhiên như: Lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống mưa bão; chặt tỉa cành cây cao gần vị trí các khu nhà làm việc; nạo vét hố ga, các bể lắng tại các khu nhà và xưởng sản xuất; thực hiện thí nghiệm hiệu chuẩn các thiết bị điện (trạm biến áp, hệ thống chống sét, tủ điện, dụng cụ an toàn…); sửa chữa, gia cố các cửa sổ, cửa ra vào của các khu nhà làm việc, nhà xưởng; phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng chống thiên tai; thực hiện nhiệm vụ do Tập đoàn TKV giao, phối hợp với các đơn vị sản xuất trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa bão gây ra; …
Ảnh: Nguồn internet
Nhiệm vụ năm 2025, Viện sẽ chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, các mục tiêu cụ thể bao gồm: Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; chủ động trong dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên các địa bàn hoạt động. Viện sẽ triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. 3 trước (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ). Trọng tâm là xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với thiên tai; xác định các vị trí trọng điểm, xung yếu để tăng cường kiểm tra và củng cố; xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể đối với từng khối sản xuất. Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác PCTT& TKCN…
Để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác này, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, chủ động học hỏi kiến thức và kỹ năng, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận.
Với sự chủ động, quyết tâm và tinh thần đoàn kết, chúng ta có thể giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần xây dựng một môi trường làm việc và cuộc sống an toàn trước những thách thức của thiên tai!
Đ.L