Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp Công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 – 1939).
Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp Công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 – 1939). Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ cuộc Tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ Vùng mỏ. Tuy nhiên, để ngày 12/11/1936 trở thành “Ngày Miền Mỏ bất khuất” suốt nhiều chục năm, xin giới thiệu đến các đồng chí và các bạn một “Sự kiện” đã diễn ra cách đây đúng 50 năm nói về Ngày 12/11. Đó là, ngày 06/11/1961 Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU V/v “Tổ chức kỷ niệm Ngày 12/11, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân Vùng mỏ”. Nghị quyết ghi rõ “Cách đây 25 năm, ngày 12/11/1936, giai cấp công nhân Khu Mỏ đã nhất tề quật khởi, anh dũng đấu tranh chống chế độ bóc lột hà khắc của bọn chủ mỏ. Cuộc đấu tranh này đã nổ ra từ Cẩm Phả, Hồng Gai đến Mông Dương, Uông Bí, Mạo Khê v.v… đã gây ảnh hưởng rộng lớn đối với trong và ngoài nước và giành được thắng lợi to lớn. Bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ. Đây là một trong những cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của giai cấp công nhân Khu Mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nó đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Vì vậy Ban Thường vụ Khu ủy đã quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn Khu Mỏ sẽ lấy ngày 12/11 hàng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân Khu Mỏ.
Về ngày diễn ra cuộc Tổng bãi công – Ngày kỷ niệm truyền thống tuy còn có những ý kiến khác nhau: Ngày 12 hay ngày 13? Câu hỏi này đã được trả lời và khẳng định cách đây 25 năm, tức là sau 1/4 thế kỷ ra đời của Nghị quyết 31 ngày 6/11/1961 của Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng. Ngày 22/11/1985 tại Khách sạn Công đoàn Bãi Cháy, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phối hợp với Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Mỏ và Than tổ chức Hội nghị khoa học “Về cuộc Tổng bãi công tháng 11/1936 của công nhân thuộc Công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ”. Tham dự Hội nghị còn có nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu thuộc Viện Lịch sử Đảng, Viện Sử học Việt Nam, Viện Bảo tàng Cách mạng VN, UBKHXH Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp…
Bài Tổng kết Hội nghị khoa học của đồng chí Lê Đại, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ghi rõ: “Cuộc Tổng bãi công của thợ mỏ tháng 11/1936 được Hội nghị ghi nhận là cuộc đấu tranh vào loại lớn nhất thời kỳ 1936 – 1939. Qua cuộc đấu tranh anh dũng này, đội ngũ công nhân mỏ than và nhân dân lao động Quảng Ninh đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tiêu biểu là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng. Truyền thống tốt đẹp ấy làm phong phú thêm truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Chúng ta lấy ngày 12 tháng 11 hàng năm làm Ngày Truyền thống của Công nhân Khu Mỏ và đồng bào các dân tộc Quảng Ninh là có cơ sở khoa học và giàu ý nghĩa lịch sử”.
Từ năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) ra đời, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) như hiện nay, để phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bộ Công nghiệp rồi Bộ Công Thương và Vinacomin đã thống nhất lấy ngày 12/11 hàng năm là Ngày truyền thống Công nhân Vùng mỏ – Truyền thống ngành Than. Hơn 10 năm qua, Ngày Truyền thống CN Vùng Mỏ – Truyền thống Ngành Than không còn bó hẹp ở không gian của tỉnh Quảng Ninh nữa mà đã lan tỏa và in đậm dấu ấn với nhân dân, đội ngũ CNVCLĐ, tổ chức Công đoàn hàng chục tỉnh, thanhd phố trong cả nước, nhất là tại các địa phương có cơ sở của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản và đông đảo con em đang làm ăn sinh sống tại Quảng Ninh. Ca khúc “Tình ca Người Thợ Mỏ” của Nhạc sỹ Hoàng Vân đã trở thành “Tỉnh ca – Thương hiệu” của Quảng Ninh được hàng triệu người dân cả nước biết đến và yêu mến.
Nguồn http://www.quangninh.gov.vn