Giải cứu ngành Than: Nên bắt đầu từ vốn và chính sách

Với vai trò là Tập đoàn kinh tế mạnh, đầu tầu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng ngành Than đang đứng trước nhiều khó khăn để tiếp tục giữ vững vị thế. Về vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam.

     Nhận định của ông về những khó khăn ngành Than tiếp tục phải đối mặt?

Ông Trần Viết Ngãi: Khó khăn lớn nhất là trữ lượng ngày càng cạn, khai thác ngày càng khó. Tại vùng mỏ Quảng Ninh, trữ lượng thăm dò còn khoảng 8,8 tỷ tấn, trong đó trữ lượng (chắc chắn và tin cậy) là 1.983 triệu tấn, tài nguyên dự tính 1.957 triệu tấn và tài nguyên dự báo 4.887 triệu tấn. Dự kiến, mỏ than lộ thiên Núi Béo sẽ ngừng khai thác vào năm 2018, các mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn sẽ kết thúc khai thác vào năm 2025, chủ yếu chỉ còn lại khai thác hầm lò với độ sâu ngày càng lớn, chi phí cho khai thác ngày càng cao. Bể than Đồng bằng sông Hồng chưa có số liệu về trữ lượng. Mặt khác, điều kiện địa chất phức tạp, lại nằm dưới vùng đồng bằng trù phú, thành phố, làng mạc, khu công nghiệp, dân cư đông đúc nên việc nghiên cứu khai thác không đơn giản.

Khó khăn thứ hai là giá thành sản xuất than khá cao (năm 2012 khoảng 1,248 triệu đồng -1,3 triệu đồng/tấn). Nguyên nhân là do việc cơ giới hóa đồng bộ của ngành Than mới đạt 2,8%, còn lại là bán cơ giới và lao động thủ công nên năng suất lao động chưa cao. Giá bán than lại thấp, mặc dù Chính phủ đã cho phép thị trường hóa giá than trong nước nhưng đến nay, giá than bán cho điện cũng chỉ bằng 70% giá thành, giá bán xuất khẩu cũng giảm từ 24-36% tùy loại. Hàng năm Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phải bù lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, các chính sách thuế, phí đối với ngành Than lại ngày càng cao. Thuế tài nguyên tăng lên 5% đối với than hầm lò, 7% đối với than lộ thiên khiến ngành này phải tăng nộp thuế từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 2.990 tỷ đồng năm 2011. Thuế xuất khẩu mặc dù đã giảm từ 20% xuống còn 10% nhưng vẫn cao so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, ngành Than còn phải chịu các khoản lệ phí cấp phép, hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất và chi phí thăm dò, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, phí bảo vệ môi trường. Tiền cấp quyền khai thác (trùng lặp với thuế tài nguyên) khiến doanh nghiệp vừa phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất và chi phí thăm dò khoáng sản, vừa phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để điều tra cơ bản địa chất. Vấn đề cấp phép khai thác, thăm dò còn vướng mắc (Quảng Ninh còn 147,643 km2 chưa cấp phép). Vinacomin hiện có khoảng 140 ngàn lao động, riêng tại Quảng Ninh khoảng 110 ngàn lao động trong điều kiện thường xuyên tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro đến tính mạng song lương bình quân chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mặc dù ngành Than đã có nhiều biện pháp để khắc phục hạn chế nguy hiểm nhưng không thể đảm bảo triệt để. Tập đoàn đã cố gắng tạo quỹ đất, hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà cửa, trường học, trạm xá… nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào. Đời sống CBCNV ngày càng khó khăn, nhiều người bỏ việc, gây ra tình trạng luôn luôn thiếu công nhân hầm lò và tổn thất lớn về chi phí đào tạo và tuyển dụng.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến chúng ta vẫn lo thiếu than trong khi hiện tại tiêu thụ rất khó khăn?

Tình trạng than tồn kho chỉ là tạm thời khi nền kinh tế đang suy thoái. Gốc rễ của vấn đề là sử dụng nguồn than chưa hợp lý. Thực tế, lượng than khai thác nhiều nhất là than cám 6, 6A, 6B… nhưng hầu hết các nhà máy nhiệt điện chạy than chủ yếu sử dụng than cám 5, 4B, các nhà máy xi măng sử dụng than cám 3. Để khắc phục, các nhà máy cần đổi mới công nghệ để sử dụng được các loại than chất lượng không cần quá cao. Ngành Than cũng cần đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất và khai thác để tiết kiệm tiêu hao vật tư, năng lượng, tận thu tài nguyên, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả. Tuy nhiên, nan giải nhất vẫn là vốn đầu tư. Chính phủ yêu cầu đến năm 2015, ngành Than phải đạt sản lượng khai thác 55 triệu tấn than sạch (tương đương 58 – 60 triệu tấn than nguyên khai). Muốn thế, tối thiểu ngành Than phải xây dựng 10 mỏ mới công suất từ 2 triệu – 2,5 triệu/năm với số vốn đầu tư khoảng 300 – 350 triệu USD/mỏ. Dự kiến, để xây dựng hết 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ theo kế hoạch cần hàng chục tỷ USD. Nhưng hiện tại vốn lại thiếu trầm trọng do giá thành khai thác tăng cao, giá than bán cho điện rất thấp, sản lượng và giá bán than xuất khẩu giảm nên không có lãi. Với tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng khó, lượng tồn kho cao, gây nguy cơ thua lỗ, ngành Than sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vậy đâu là chìa khóa của vấn đề?

Nếu không có những đột phá mới về cơ chế chính sách thì tới năm 2020 sẽ không đủ than phục vụ cho các ngành kinh tế, nhất là hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất là 36.000MW nằm trong Quy hoạch điện VII.

Cụ thể, cần kịp thời cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác. Giảm một số loại thuế và phí, tạo điều kiện cho ngành Than sản xuất kinh doanh không bị lỗ, tiến tới có lãi để có khả năng tích lũy vốn đầu tư phát triển. Cho phép ngành Than được chỉ định thầu trong xây dựng các dự án khai thác mỏ giúp rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng. Tạo chính sách và cơ chế về tài chính cho các đề tài nghiên cứu khoa học, công tác tư vấn được hưởng hiệu quả làm lợi của các dự án áp dụng kết quả nghiên cứu. Kinh phí đó sẽ tái đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Tỉnh Quảng Ninh cũng cần bố trí thêm quỹ đất thích hợp để Vinacomin có điểu kiện xây dựng nhà ở và công trình phúc lợi để nâng cao đời sống người lao động.

Đặc biệt, Chính phủ nên có chính sách hợp lý về giá cùng các giải pháp thích hợp để hỗ trợ vốn cho ngành Than đầu tư xây dựng mỏ mới, mở rộng mỏ cũ. Hỗ trợ thủ tục, kinh phí để Vinacomin triển khai sớm công tác thăm dò thử nghiệm khai thác một vài địa điểm ở bể than Đồng bằng sông Hồng để có cơ sở đánh giá về trữ lượng, khả năng khai thác than ở khu vực này. Có cơ chế cho phép ngành Than thay đổi trình tự làm thử nghiệm công nghệ trước, nếu thử nghiệm thành công thì tiến hành điều tra đánh giá tổng thể, từ đó tiết kiệm kinh phí cho nhà nước.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Các mục khác