CBCNVC Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tham quan, du lịch đất nước Chùa tháp

Trong thời gian từ ngày 25/5/2014 đến ngày 30/5/2014, thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động năm 2014 của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, số 07/NQ-VT-CĐ, ngày 16/1/2014, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã tổ chức cho CBCNVC có thành tích xuất sắc năm 2013 tham quan, du lịch đất nước Chùa tháp Campuchia.

 

Trong thời gian từ ngày 25/5/2014 đến ngày 30/5/2014, thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động năm 2014 của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, số 07/NQ-VT-CĐ, ngày 16/1/2014, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã tổ chức cho CBCNVC có thành tích xuất sắc năm 2013 tham quan, du lịch đất nước Chùa tháp Campuchia.

Với trên 100 CBCNVC tham dự, được tổ chức thành 2 đoàn, đoàn 1 khởi hành ngày 25/5/2014 đến 28/5/2014, đoàn 2 khởi hành ngày 27/5/2014 đến 30/5/2014. Tối 27/5/2014, hai đoàn đã có buổi giao lưu tại thủ đô Phnompenh.
Với Chương trình “Khám phá Angkor huyền bí”, các du khách đã được xuyên qua những vườn cây thốt nốt đẹp như tranh vẽ, chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn muôn thuở của thần Bayon, ngẩn ngơ theo điệu múa Apsara của các tiên nữ xinh đẹp, chạm tay vào những tuyệt tác phù điêu huyền thoại, thăm quần thể các công trình kiến trúc Angkor – di sản văn hoá thế giới .
Chuyến đi này, với thời gian 4 ngày, 3 đêm, các CBCNVC của Viện đã được tham quan Phnompenh, thủ đô Vương quốc Campuchia và Siem Reap, một tỉnh tây bắc Campuchia, bên bờ hồ Tonlé Sap (Biển hồ), nơi có khu di tích Angkor Wat, một di sản Văn hoá thế giới.
Tại Phnompenh, đoàn đã tham quan Hoàng cung, Chùa Bạc, Watt Phnom, cùng trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Hoàng Cung là một khu phức hợp các di tích, bao gồm Hoàng cung với Chùa Bạc và là sự kết hợp của rất nhiều công trình kiến trúc khác cộng với nhựng khu vườn với rất nhiều hoa kiểng quý đã nhiều năm tuổi.

Cung điện Hoàng gia Campuchia ở thủ đô Phnôm Pênh là một tổ hợp các tòa nhà nơi Hoàng gia Vương quốc Campuchia được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước để phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của quốc vương, gia đình quốc vương và các quan khách nước ngoài, nơi đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia.
Tiếng Khmer gọi tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk. Các Vua Campuchia đã ở trong cung điện này kể từ ngày cung điện được xây dựng từ 1866, ngoại trừ có một thời kỳ gián đoạn khi đất nước này dưới quyền cai trị của Khmer Đỏ. Cung điện được khởi xây sau khi vua Norodom chuyển đô từ Oudong về Phnom Pênh sau giữa năm 1800. Cung điện nhìn về hướng Đông và tọa lạc tại bờ Tây của ngã 4 các phân nhánh của sông Mêkong gọi là Chaktomuk.

Wat Preah Morakat, còn được gọi là Chùa Bạc hay Chùa Phật ngọc lục bảo, là một ngôi chùa nổi tiếng của Campuchia. Sở dĩ được gọi là Chùa Bạc vì ngôi chùa có đến 5329 miếng bạc lát trên nền nhà, mỗi miếng bạc đều làm thủ công và có trọng lượng 1,125 g. Ngôi chùa có chức năng văn hoá và lưu giữ bảo vật tôn giáo hơn là chức năng thờ cúng, chứa đựng hơn 1650 đồ vật có giá trị. Bức tượng Phật ngồi trên ngọn tháp trung tâm ngôi đền là bức tượng ngọc lục bảo, có những thông tin khác nhau bức tượng được làm bằng ngọc lục bảo hay pha lê. Đứng trước tượng lục bảo là tượng Phật Di-lặc (đức phật tương lai) đúc bằng 90 kg vàng ròng và được gắn 2086 viên kim cương, trong đó có viên kim cương 25 carat trên vương miện và viên kim cương 20 carat gắn ở ngực. Ngoài ra còn có bức tượng Phật xá lị ngồi trong một tháp nhỏ bằng vàng và bạc, các bảo vật của hoàng hậu Kossomak Nearirith, bảo vật đóng góp của các dòng họ quý tộc và hoàng gia.

Hoàng cung và Chùa Bạc tạo thành một quần thể kiến trúc là biểu tượng cho đất nước Campuchia.
Wat Phnom (Chùa Núi hay chùa bà Pênh) được xây dựng năm 1373, là một trong những chùa quan trọng nhất ở Phnôm Pênh. Chùa được một quả phụ giàu có là Daun Chi Penh xây trên một ngọn đồi nhân tạo, sau khi một trận lụt lớn đã cuốn trôi các bức tượng Phật tới đây. Truyền thuyết kể lại rằng sự ra đời của Wat Phnom gắn chặt với sự khởi đầu của Phnôm Pênh. Theo đó, năm 1372 bà Penh (Yea Penh) vớt được một cây gỗ trôi dạt trên sông. Bên trong cây gỗ là 4 bức tượng Phật. Bà đã cho đắp một ngọn đồi và xây dựng một ngôi chùa nhỏ ở khu vực mà ngày nay gọi là Wat Phnom. Sau này, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có Phnom Penh. Ngôi chùa hiện đang tồn tại được xây dựng lại lần cuối vào năm 1926. Đã có nhiều hạng mục thêm vào trong các thế kỷ qua. Tháp chứa hài cốt lớn nhất chứa tro của vua Ponhea Yat (1421?-1462), người đã di chuyển kinh đô của đế chế Khmer từ Angkor về Phom Penh. Khu vực chùa này là trung tâm lễ hội của thành phố trong Năm mới Campuchia và Pchum Benh.

Chia tay Phnompenh, đoàn đến tỉnh Siem Reap.
Trên hành trình, đoàn ghé thăm cây cầu đá nổi tiếng KômPông kdei là một cây cầu cổ có số tuổi trên 1000 năm, nằm trên quốc lộ số 6, đường vào cố đô Xiêm Riệp, cây cầu vẫn sừng sững qua bao nhiêu năm tháng dù nó được xây dựng từ thế kỷ 12 (1186) dưới thời vua Chayravaman VII. Cầu dài khoảng 85 mét, cao 14 mét, mặt cầu rộng chừng 14 mét. Cầu làm kiểu vòm với rất nhiều trụ bằng đá ong. Kiến trúc cầu tương tự những chiếc cầu vòm bằng đá do người La Mã xây ởChâu Âu. Ở hai đầu cầu có tượng rắn thần Naga 7 đầu khá linh thiêng được người dân tôn thờ như thần thánh, thân cầu cũng mang dáng dấp thân hình của rắn thần này.
Tỉnh Siem Reap, với thủ phủ là thành phố Siem Reap, cố đô của vương quốc Angkor xưa. Thành phố Siem Reap nổi tiếng vì gần khu di tích, một di sản thế giới.
Thời gian ở thành phố Siem Reap, Angkor Wat được lựa chọn là điểm đến đầu tiên trong chương trình tham quan Angkor, tiếp đó là Kinh thành Angkor Thom, đền Ta Prohm và Biển hồ.
Angkor Wat còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom (Ăng-co Thom) thì được gọi là đền Đế Thích, cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. Theo tiếng Khmer Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ hay chùa, là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo tại Angkor – địa điểm của các thủ đô của Đế quốc Khmer. Đây là một trong các là di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.

Angkor Thom là thành phố thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của Đế quốc Khmer. Thành được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Thành rộng 9 km², bên trong có nhiều đền thờ từ các thời kỳ trước cũng như các đền thời được Jayavarman và những người nối nghiệp ông xây dựng. Tại trung tâm thành là ngôi đền quốc gia của Jayavarman, đền Bayon, với các di tích khác quần tụ quanh khu quảng trường Chiến thắng nằm ngay phía Bắc đền.

Ta Prohm là tên gọi hiện đại của một ngôi đền tại Angkor, Campuchia, được xây theo phong cách Bayon phần lớn vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, ban đầu được gọi là Rajavihara. Tọa lạc cách Angkor Thom về phía đông và nằm ở cạnh phía nam của Đông Baray, gần Tonle Bati, ngôi đền này được thiết lập bởi vua Khmer Jayavarman VII, làm một tu viện và trường học Phật giáo Đại thừa. Không giống như phần lớn đền tại Angkor, Ta Prohm đã bị bỏ quên với điều kiện như lúc mới xây: cảnh cây cối xung quanh phế tích và các khu rừng nhiệt đới bao quanh nó đã khiến nó là một trong những ngôi đền tại Angkor được du khách viếng thăm nhiều nhất.

Với vẻ hoang phế một cách huyền ảo, nơi đây đã được Hollywood chọn làm phim trường, quay nhiều cảnh cho phim Tomb Raider.
Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích bề mặt 2.700 km2 vào mùa khô, 16.000 km2 vào mùa mưa, độ sâu trung bình tương ứng là 1m và 9m. Hồ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.
Theo tiếng Khmer, Tonlé Sap có nghĩa là “sông nước ngọt lớn” nhưng thông thường được dịch là “Hồ Lớn” trong các ngôn ngữ khác; “Biển Hồ” là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.
Kết thúc chuyến đi, chia tay Campuchia, chia tay đất nước Chùa tháp, nhưng vẫn đọng lại trong mỗi người hình ảnh những người Khmer chân chất, nhân hậu, hình ảnh hùng vĩ, huyền ảo, những địa danh lịch sử, thưởng thức những danh lam thắng cảnh của đất nước chùa tháp, … Thông qua chuyến đi, mỗi người đều cảm thấy tự hào là người Việt Nam, tăng thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước, đồng thời cũng là dịp củng cố thêm tình đoàn kết trong tập thể CBVC của Viện, là động lực cho mỗi người tiếp tục phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Vinacomin./.

Các mục khác