Thực hiện chỉ thị số 143/CT-TKV ngày 18/7/2017 của Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt nam về việc thực hiện đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV giai đoan 2017-2020, tầm nhìn đến 2030. Ngày 26.7.2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã có buổi làm việc với Công ty Carboautomatyka (Ba Lan) và Hội Tự động hóa Việt Nam
Tham dự buổi làm việc, Công ty Carboautomatyka có ông Sebastian Grzesiak, kỹ sư trưởng cùng các chuyên gia, Hội Tự động hóa Việt Nam có ông Nguyễn Thái Hưng, Phó Chủ tịch và các chuyên gia, về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin có ông Trần Tú Ba, Viện trưởng, ông Lưu Văn Thực, Phó Viện trưởng và một số cán bộ liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã cùng đánh giá về hiện trạng và khả năng áp dụng tự động hóa tại các đơn vị hầm lò, lộ thiên, sàng tuyển, chế biến than, các đơn vị cơ khí- môi trường, nhà máy nhiệt điện trên cơ sở phát huy tối đa cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị hiện có. Theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam việc đẩy mạnh tin học hóa – tự động hóa được đẩy mạnh ứng dụng theo từng lĩnh vực; phát triển theo định hướng chuẩn hóa chung các hệ thống; trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, dễ dàng nâng cấp, mở rộng và tích hợp các hệ thống với nhau. Xây dựng cơ sở hạ tầng – con người – chính sách phù hợp. Đối với các đơn vị sản xuất than hầm lò, tự động hóa tập chung vào các khâu thông gió kết hợp với giám sát khí mỏ than, môi trường; điều khiển và giám sát mạng cung cấp điện năng; khâu bơm thoát nước; khâu vận tải; khai thác lò chợ; định vị nhân sự, thông tin liên lạc và camera giám sát; hệ thống điều độ giám sát tập trung. Đối với các đơn vị sản xuất than lộ thiên tập trung tự động hóa một số khâu giám sát hành trình GPS kết hợp giám sát quản lý nhiên liệu online; bơm thoát nước moong; điều khiển và giám sát các trạm điện trung tâm. Đối với các đơn vị sàng tuyển, chế biến than, tự động hóa tối đa các công đoạn giám sát các thông số công nghệ chính trong hệ thống; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền theo diễn biến công nghê; tự động điều chỉnh tỷ trọng huyền phù cấp cho các máy tuyển; điều khiển tự động cho các cụm máy hoặc hệ thống máy lắng, lọc ép, máy trộn, máy đập, bàn tuyển,….; Giám sát camera quan sát các vị trí quan trọng và hệ thống thông tin liên lạc đa chiều. Đối với các nhà máy nhiệt điện tự động hóa tối đa các công đoan trong dây chuyền sản xuất; xây dựng mạng hạ tầng truyền thông số cho toàn nhà máy kết nối hệ thống các trạm I/O từ xa và các hệ thống phụ trợ, hoàn thiện tự động hóa ở mức cao nhất các hệ thống DCS, điều khiển lò hơi, điều khiển và giám sát các trạm điện. Qua đánh giá cho thấy, hầu hết các hệ thống tự động hóa đang được áp dụng tại các đơn vị trong Tập đoàn hiện nay không theo quy chuẩn chung và chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, phần mềm điều khiển hệ thống, cũng như nguồn nhân lực vận hành các hệ thống tự động hóa.