Phát triển bền vững ngành Than

Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” là định hướng chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Đồng hành cùng tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong những năm qua đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hiện thực hoá mô hình tăng trưởng này. Theo đó, cùng với việc không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, TKV còn tập trung nguồn lực bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường Vùng mỏ.

“3 hóa” trong sản xuất than

Trong điều kiện diện sản xuất các mỏ hầm lò và lộ thiên ngày càng xuống sâu, gặp không ít khó khăn TKV đã chuyển hướng đổi mới ứng dụng mạnh mẽ “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất và kinh doanh.

Điển hình trong khai thác than hầm lò, TKV đã đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, Tập đoàn đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị, gồm: Than Hà Lầm, than Vàng Danh, than Khe Chàm, than Núi Béo, than Mông Dương, than Dương Huy, than Quang Hanh và than Uông Bí.

Đáng chú ý, TKV đã đầu tư được 1 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ có công suất lớn nhất đạt 1,2 triệu tấn than/năm tại Công ty CP than Hà Lầm. Dự kiến cuối tháng 8/2020, Tập đoàn sẽ đưa vào hoạt động 1 dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ lò chợ I-11-5 Công ty than Hạ Long. Qua đánh giá của Tập đoàn, các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với lò chợ bình thường. Bình quân mỗi năm sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11-14% tổng sản lượng than hầm lò.

Với các mỏ lộ thiên giai đoạn 2015-2020, nổi bật nhất Tập đoàn đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô – băng tải tại mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, TKV còn chủ động ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào quá trình sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý điều hành. Từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị đều đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.

Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất như: Phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò, nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên, hệ thống giám sát lưu chuyển than…

Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong khai thác hầm lò; đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%; năng suất lao động toàn Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm.

Đồng hành với mục tiêu tăng trưởng xanh

Hằng năm, TKV chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đến năm 2019, Tập đoàn đã hoàn thành các công trình trong Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, đã trồng cây phủ xanh trên 1.000ha bãi thải (30% diện tích bãi thải ngoài hiện có); lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải.

Các mục khác