Ngày 6/7, tại Quảng Ninh, Tập đoàn TKV tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cơ giới hóa (CGH) khai thác, đào lò giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.
Tham dự Hội nghị có ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc; lãnh đạo Đảng ủy, HĐTV, Ban lãnh đạo điều hành, Công đoàn TKV; các Ban của Tập đoàn; Đảng ủy Than Quảng Ninh, Đoàn Than Quảng Ninh; Giám đốc, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ các đơn vị khai thác, đào lò, cơ khí thuộc TKV…
Tại Hội nghị, Ban KCM đã báo cáo tổng kết công tác CGH khai thác, đào lò giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong những năm qua, TKV và các đơn vị đã tập trung chỉ đạo, thực hiện ứng dụng KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh CGH khai thác, đào lò. Giai đoạn 2013-2016, đã thăm dò, đánh giá trữ lượng, điều kiện địa chất để áp dụng CGH khai thác, đào lò; tiếp tục thực hiện đầu tư, ứng dụng CGH, từ năm 2013 đến nay có thêm 04 đơn vị thực hiện và đưa các dự án CGH khai thác vào hoạt động gồm: Hà Lầm, Dương Huy, Quang Hanh và Khe Chàm; các loại hình công nghệ CGH khai thác đã đưa vào áp dụng như CGH đồng bộ, khấu hết chiều dày vỉa (Dương Huy, Quang Hanh); CGH đồng bộ, hạ trần thu hồi than nóc, vận tải bằng máng cào sau (Hà Lầm, Khe Chàm)… Sản lượng và tỷ lệ than khai thác bằng cơ giới hóa/tổng sản lượng than khai thác bằng các loại hình công nghệ tăng từ 575.624 tấn (đạt 3,19%) năm 2013 lên 720.568 tấn (đạt 3,95%) năm 2015 và dự kiến đạt 2,197 triệu tấn (đạt 9,4%) vào năm 2016.
Mặc dù công tác CGH khai thác đã đạt được các thành tựu trên, nhưng sản lượng than khai thác bằng CGH hàng năm vẫn chưa cao: năm 2013 đạt 73,8% kế hoạch; năm 2014 đạt 51,3%; năm 2015 đạt 61,4%. Tổng số có 11 dây chuyền CGH đã được đầu tư áp dụng trong Tập đoàn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chỉ còn 06 dây chuyền hoạt động.
Về đào lò, áp dụng chống lò bằng vì neo tiếp tục được nhân rộng trong toàn Tập đoàn và áp dụng đa dạng về loại hình công nghệ. Từ năm 2013 đến nay tất cả các đơn vị sản xuất hầm lò, xây dựng mỏ đã thực hiện việc chống lò bằng vì neo. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chống lò bằng vì neo hàng năm còn ở mức thấp.
Nhiệm vụ công tác CGH khai thác, đào lò đến 2020, Tập đoàn đề ra mục tiêu tập trung nghiên cứu, hoàn thiện áp dụng CGH cho các mỏ có trữ lượng công nghiệp lớn, ổn định, điều kiện địa chất phù hợp, sau đó sẽ mở rộng áp dụng trong TKV. Đối với các mỏ xây dựng mới (Núi Béo, Khe Chàm II-IV,…) cần xác định theo hướng áp dụng những công nghệ tiên tiến, ưu tiên CGH đồng bộ cho công suất lớn… Tiếp tục áp dụng chống lò bằng vì neo để giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, tốc độ đào lò, đưa công nghệ đào chống lò bằng vì neo thành công nghệ truyền thống tại các mỏ than hầm lò…
Sau khi nghe báo cáo của Ban KCM, Hội nghị đã nghe tham luận của Ban Tài nguyên, Ban CV, Công ty than Hà Lầm – Vinacomin, Công ty than Khe Chàm – TKV, Công ty than Nam Mẫu – TKV, Công ty CP than Vàng Danh – Vinacomin, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin. Các báo cáo tham luận đã tổng hợp, phân tích và đánh giá về trữ lượng than có thể áp dụng cơ giới hoá trong Tập đoàn và đề xuất loại hình công nghệ CGH, với các thiết bị, dàn chống phù hợp, phát triển áp dụng trong giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn tới năm 2030.
Trong bài phát biểu của mình, chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh, ứng dụng KHCN mới, thực hiện CGH khai thác, đào lò là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Tập đoàn nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng sản lượng than hầm lò, nâng cao hiệu quả SXKD. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác CGH nhưng kết quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Qua phân tích, Chủ tịch HĐTV đã xác định một số nguyên nhân chính, đó là: Do điều kiện địa chất vùng than Quảng Ninh phức tạp; Do ý chí của người lãnh đạo các đơn vị chưa cao; Tính đầu tàu, dẫn dắt không thống nhất… Để phát triển CGH trong giai đoạn sắp tới, Chủ tịch HĐTV chỉ đạo: 1) Các cán bộ cần nhận thức lại một cách nghiêm túc về CGH; 2) Đề nghị Tổng Giám đốc đề xuất cơ chế quản lý, trình HĐTV phê duyệt; 3) Nâng cao hơn nữa tính kết nối giữa đơn vị tư vấn với các đơn vị sản xuất, trong đó xác định Viện Khoa học Công nghệ Mỏ phải là đầu tàu, chủ động, các đơn vị phải kết hợp với Viện, phối hợp với nhau, kết hợp giữa công nghệ và cơ khí; 4) Cần đề cao hơn nữa vai trò quản lý của Công ty mẹ, với các bí kíp công nghệ, đóng vai trò định hướng về công nghệ… Đồng thời đề nghị: 1) Xem xét việc rà soát, đánh giá lại điều kiện địa chất, từ đó quy hoạch lại các khu vực áp dụng CGH, bán CGH… 2) Giám đốc các đơn vị phải chủ động đánh giá điều kiện khoáng sàng do mình quản lý, từ đó đề xuất các loại hình áp dụng CGH đào lò và khai thác của đơn vị mình; 3) Các cơ quan của TKV cần xác định rõ tầm quan trọng của KHCN, tài liệu địa chất, từ đó, tham mưu cho lãnh đạo TKV trong việc quản lý KHCN, quản lý tài nguyên hiệu quả. Bên cạnh đó cần xây dựng và sớm ban hành cơ chế đặc thù cho các đơn vị áp dụng CGH, hỗ trợ các đơn vị áp dụng thử nghiệm…Tóm lại, từ Tập đoàn đến các đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, thực hiện CGH; đánh giá cụ thể các tổ hợp, dự án CGH đã thực hiện; đánh giá lại điều kiện địa chất mỏ để có giải pháp đầu tư CGH hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng mỏ; có sự thống nhất quản lý về công nghệ và CGH từ Tập đoàn đến các đơn vị và sự kết nối, hỗ trợ giữa các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, cơ khí với các mỏ; xây dựng những đơn vị mũi nhọn, đầu tầu thực hiện CGH để từ đó nhân rộng trong toàn Tập đoàn…
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã tặng bằng khen cho 14 tập thể, cá nhân, với tổng số tiền thưởng là 817 triệu đồng, trong đó có Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, vì đã có thành tích trong thực hiện công tác cơ giới hóa đào lò và khai khai thác than hầm lò giai đoạn 2013-2016./.