Ngày 14/4, tại Công ty than Uông Bí, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo quản lý, sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trong khai thác than hầm lò.
Tham gia hội thảo có trên 100 đại biểu, đại diện các cơ sở sản xuất, sử dụng VLNCN thuộc Tập đoàn TKV, Tổng Công ty Công nghiệp Quốc phòng và đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh… Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn – Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương và Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Đình Thịnh đồng chủ trì hội thảo.
Đoàn Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tham dự Hội thảo có ông Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, Trung Tâm An Toàn Mỏ có ông Phùng Quốc Huy, Giám đốc, ông Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc, cùng một số trưởng phòng có liên quan.
Trong những năm qua, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác than hầm lò đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong quản lý, sản xuất, sử dụng VLNCN, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển SXKD của ngành Than. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, vấn đề mất an toàn, tai nạn sự cố liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng VLNCN vẫn xảy ra và có chiều hướng phức tạp.
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn – Môi trường công nghiệp, nhu cầu sử dụng VLNCN trong các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, thủy lợi và giao thông… tăng mạnh (năm 1996 tiêu thụ 16.000 tấn, đến năm 2016 tiêu thụ 122.000 tấn). Đặc biệt, khai thác than chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50 ÷ 60%) tổng lượng tiêu thụ VLNCN toàn quốc. Năm 2016 ngành Than sử dụng khoảng 60.000 tấn thuốc nổ, 40 triệu kíp nổ, 20 triệu mét dây nổ các loại…
Tại hội thảo, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn – Môi trường công nghiệp, Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Công Thương), Tổng Công ty Hóa chất Mỏ – Vinacomin, các công ty khai thác than hầm lò của TKV, một số đơn vị sản xuất VLNCN thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Quốc phòng và các đại biểu đã phát biểu tham luận. Các bản tham luận đã đánh giá kết quả đạt được trong công tác quản lý, sản xuất, sử dụng VNLCN, những khó khăn, tồn tại. Đặc biệt, các báo cáo đi sâu vào việc phân tích, xác định nguyên nhân của những vụ tai nạn, sự cố về VLNCN trong sản xuất, từ đó, đề xuất các giải pháp từ quản lý, giải pháp công nghệ, đến tổ chức thực hiện…, nhằm giảm thiểu, loại trừ tai nạn, sự cố trong quản lý, sử dụng VLNCN, nâng cao hơn nữa công tác an toàn trong sản xuất và sử dụng VLNCN trong khai thác khoáng sản nói chung, và khai thác than hầm lò nói riêng…
Tham luận tại Hội thảo, Trung tâm An toàn mỏ, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ- Vinacomin đóng góp báo cáo: “Quản lý rủi ro khi sử dụng máy bắn mìn và kíp mìn trong công tác nổ mìn trong các mỏ hầm lò”.
Với vai trò là đơn vị nghiên cứu triển khai KHCN về an toàn mỏ, đồng thời là một trong số ít đơn vị được cấp phép kiểm định VLNCN, Báo cáo tham luận của Trung tâm An toàn mỏ bám sát các nội dung chính, bao gồm 1) Phân tích mạch điện nổ mìn áp dụng trong khai thác mỏ (Nổ mìn bằng máy bắn mìn điện dung; Sơ đồ nguyên lý mạch điện nổ mìn và Phân tích năng lượng điện sinh ra trong mạch kíp khi nổ mìn); 2) Máy nổ mìn và điện trở kíp (Máy nổ mìn và công tác kiểm định các máy nổ mìn điện; Công tác kiểm định các kíp điện vi sai an toàn); 3) Những ảnh hưởng khi sử dụng máy nổ mìn và kíp mìn trong công tác nổ mìn… Từ đó, Báo cáo đã đề xuất một số giải pháp về quản lý sử dụng máy nổ mìn, về điện trở kíp…
Qua một ngày làm việc, Hội thảo đã thành công, đóng góp vào việc nâng cao mức độ an toàn về quản lý, sản xuất, sử dụng VLNCN trong khai thác than hầm lò./.