Sáng nay, 5/5 tại Trung tâm mỏ Ngã Hai – Công ty than Quang Hanh – TKV, Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động lần thứ nhất, năm 2017.
Tham dự buổi lễ có ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Lý Quốc Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đình Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV, lãnh đạo các Ban, AT, CV,… cùng nhiều đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Quốc Phòng, Tập đoàn TKV.
Tại Lễ phát động, lãnh đạo Cục Kỹ thuật – An toàn môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương đã báo cáo tình hình thực hiện công tác AT – VSLĐ trong ngành Công Thương. Theo đó, là ngành có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và có các Tập đoàn lớn, quan trọng như Dầu khí, Than – Khoáng sản, Điện lực… Tuy nhiên, trong sản xuất công nghiệp, như khai thác khoáng sản, điện, hóa chất, xăng dầu,… luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động. Do vậy, trong những năm qua, công tác AT – VSLĐ, PCCN luôn được Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp trong ngành Công Thương coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đã có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời nhằm tăng cường công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, giảm thiểu TNLĐ, sự cố, bệnh nghề nghiệp…
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, ngành Công Thương xác định mục tiêu năm 2017 phải giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, các sự cố cháy nổ. Trong đó, cần tập trung vào những nội dung chính như: tăng cường việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định tại Luật AT – VSLĐ, tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn. Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty cần đẩy mạnh công tác huấn luyện đối với người lao động thật cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với người lao động; đẩy mạnh việc ưu tiên thực hiện các giải pháp mang tính phòng ngừa; đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; rà soát, bổ sung sửa đổi các quy trình, quy định về quản lý an toàn phù hợp với các quy định của pháp luật; tăng cường công tác tự kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Với mỗi người lao động cần tuân thủ nghiêm các quy trình, thực hiện tự chủ an toàn nhằm bảo vệ chính bản thân mình, đồng nghiệp và tài sản.