Trong 3 ngày (20-22/11/2017), tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH Kraków, Ba Lan (AGH – UST), đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Lần thứ IV về Hợp tác Nghiên cứu Khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan trong các lĩnh vực như: Khoa học về Trái đất, Công nghệ vật liệu, Vật lý ứng dụng và Khoa học xã hội.
Tham dự Hội thảo, về phía Ba Lan có GS. TSKH Tadeusz Słomka – Hiệu Trưởng Trường AGH-UST, ThS Marta Foryś Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế của Trường AGH – UST cùng các GS, TS, các cán bộ của Trường AGH và NCS Ba Lan. Về phía Việt Nam có PSG.TS Trần Thanh Hải – Hiệu phó Trường Đại học Mỏ Địa Chất Hà Nội (HUMG), ThS. Hồ Chí Hưng – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Ba, PGS.TS Nguyễn Văn Giảng – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Vật lý địa cầu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng nhiều cán bộ giảng dạy của HUMG và các trường đại học khác của Việt Nam.
Về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ -Vinacomin, có TS. Trần Tú Ba – Viện Trưởng và các cán bộ của Viện đang theo học thạc sỹ, tiến sỹ ở Ba Lan.
Trong khai mạc Hội nghị Hiệu Trưởng Tadeusz Słomka và PSG.TS Trần Thanh Hải, Hiệu phó Trường Đại học Mỏ Địa Chất Hà Nội (HUMG), đã nêu nên tính quan trọng và những hiệu quả thiết thực của sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan khoa học của hai nước. Trong bài diễn văn của mình, Hiệu trưởng T. Słomka đã khẳng định sự tiến bộ trong khoa học phần lớn nhờ vào sự trao đổi khoa học qua thông qua hợp tác Quốc tế.
Hội nghị Quốc tế Ba Lan – Việt Nam lần thứ IV có 82 báo cáo trong đó, có 56 báo cáo oral và 26 poster được chia thành 12 tiểu ban như Địa chất, Địa Du lịch, Địa Vật lý, Vật lý ứng dụng, Vật liệu nano, Trắc địa Công trình, Trắc địa Mỏ, Khai thác Mỏ, Kỹ thuật khoan, Bảo vệ môi trường, Khoa học xã hội, Giáo dục và Hợp tác Quốc tế. Hầu hết các báo cáo đều có liên quan trực tiếp đến các đề tài nghiên cứu của Việt Nam và Balan và các lĩnh vực mang tính thời sự như Vật lý Vi sinh, Vật liệu nano v.v.
Tại Hội nghị, TS Trần Tú Ba đã báo cáo tham luận “Một số kết quả hợp tác về nghiên cứu khoa học giữa Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Ba Lan”. Báo cáo đã khái quát các kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học nhiều năm qua với Ba Lan trong hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ và đào tạo. Các kết quả nghiên cứu không chỉ mang lại giá trị thực tiễn cao cho sản xuất, kinh doanh than, mà còn tạo cơ hội cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ nghiên cứu, cũng như tăng cường cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm của Viện. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: (1) Hợp tác với hãng Carboautomatyka: Thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt các hệ thống tự động quan trắc khí mỏ, chế tạo thiết bị cho các hệ thống này; Thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt hệ thống kiểm soát, định vị người ra, vào lò; Nghiên cứu sản xuất và sử dụng hóa chất xây dựng các công trình phòng, chống cháy mỏ; Tháo khí mê tan trong mỏ than hầm lò…; (2) Hợp tác với Viện Mỏ Quốc gia GIG và Công ty Hóa chất mỏ Schaum – Chemie Milolow: Xây dựng phòng thí nghiệm xác định tính tự cháy của than; nghiên cứu đánh giá nguyên nhân gây sụt lún mặt bằng và đề xuất phương án chống sụt lún mặt bằng Nhà máy sàng – tuyển than Khe Chàm; (3); Hợp tác với Học Viện Mỏ Luyện kim AGH – Krakow trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, Viện Khoa học công nghệ mỏ- Vinacomin sẽ tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH Kraków và các đối tác Ba Lan trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mỏ.