Ngày 29/12/2022, Viện KHCN Mỏ đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài TKV cấp cơ sở “Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự báo và đề xuất giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của sóng chấn động nổ mìn tới các công trình xung quanh các mỏ than lộ thiên thuộc TKV”, TS. Nhữ Việt Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học điều hành tại Hội nghị.
Hội đồng KHCN của Đề tài được thành lập theo Quyết định số 565/QĐ-VKHCNM ngày 28/11/2022, gồm 7 thành viên, do TS. Đào Hồng Quảng (Viện trưởng -Viện KHCN Mỏ) làm Chủ tịch; TS. Nhữ Việt Tuấn (Phó Viện trưởng – Viện KHCN Mỏ) làm Phó Chủ tịch; PGS. TS Phạm Văn Hoà (Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội) – Phản biện 1; ThS Phạm Xuân Tráng (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp) – Phản biện 2; ThS. Nguyễn Văn Tráng (Chuyên gia độc lập), ThS. Đỗ Kiên Cường – Uỷ viên; ThS. Phạm Chân Chính – Uỷ viên, thư ký.
– Cơ quan quản lý: Tập Đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
– Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin
– Chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Ngọc Tước
TS. Đỗ Ngọc Tước trình bày báo cáo tại Hội nghị
Làm tơi là khâu công nghệ đầu tiên của dây chuyền sản xuất mỏ lộ thiên. Khoan nổ mìn là phương pháp hiệu quả nhất sử dụng công tác làm tơi đất đá tại các mỏ lộ thiên thuộc TKV. Khi nổ mìn chỉ khoảng 20-30% năng lượng nổ có tác dụng phá vỡ đất đá, phần năng lượng còn lại tạo ra các tác động không mong muốn: sóng chấn động, sóng va đập không khí, đất đá văng, hậu xung, bụi và khí độc … Trong đó, sóng chấn động là thành phần nguy hiểm nhất và thường gặp trên mỏ lộ thiên. Các tác động tiêu cực do sóng chấn động gây ra như: rung lắc, nứt đổ công trình, gây mất ổn định bờ mỏ, phá vỡ cấu trúc các công trình… Do đó việc đánh giá chính xác/dự đoán trước về chấn động mặt đất là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại tiềm tàng. Từ thực tế đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài này nhằm mục tiêu: Đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan tới dự báo chấn động nổ mìn; Đề xuất mô hình trí tuệ nhân tạo dự báo chấn động nổ mìn phù hợp cho các mỏ lộ thiên thuộc TKV; Đề xuất các giải pháp giảm thiểu sóng chấn động nổ mìn cho các mỏ than lộ thiên thuộc TKV; Sử dụng kết quả nghiên cứu để đề xuất sửa đổi phương pháp/ công thức tính khoảng cách an toàn sóng chấn động nổ mìn của QCVN 01:2019/BCT.
Nội dung nghiên cứu chính của đề tài bao gồm: Tổng quan kinh nghiệm dự báo, các giải pháp giảm thiểu chấn động nổ mìn trong và ngoài nước; Các yếu tố địa chất kỹ thuật ảnh hưởng tới chấn động nổ mìn ảnh hưởng tới các công trình xung quanh; Xây dựng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo chấn động nổ mìn; Nghiên cứu các mô hình trí tuệ nhân tạo dự báo chấn động nổ mìn phù hợp cho các mỏ lộ thiên thuộc TKV; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm thiểu sóng chấn động nổ mìn cho các công trình xung quanh tại các mỏ than lộ thiên thuộc TKV; Áp dụng thử nghiệm giải pháp giản thiểu chấn động nổ mìn tại môt số khu vực mỏ than; Đề xuất sửa đổi phương pháp/công thức tính toán khoảng cách an toàn sóng chấn động nổ mìn của QCVN 01: 2019/BCT.
ThS. Phạm Xuân Tráng trình bày phản biện tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó nhận định nhóm thực hiện đã hoàn thành đầy đủ, bám sát các nội dung nghiên cứu theo đề cương đã đăng ký, sản phẩm đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Kết quả nghiên cứu có giá trị ứng dụng thực tiễn. Báo cáo được tình bày logic, có hàm lượng khoa học cao, thông tin phong phú, đáng tin cậy. Hội đồng thống nhất nghiệm thu kết quả nghiên cứu cấp cơ sở. Tuy nhiên, nhóm thực hiện cần bổ sung một số thông tin, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Tập đoàn TKV phê duyệt./.
Đ.L